CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM C
TIN MỪNG: Ga 2,1-11
Noel Quesson - Chú Giải
Bài trình thuật tiệc cưới ở Cana được Gioan, một nhân chứng trực tiếp, kể lại. Điều đó bảo đảm sử tính của câu chuyện. Nhưng Gioan, cũng như các thánh sử khác trước hết không có ý định mà cho chúng ta một đám cưới làng quê vào thời kỳ ấy. Sự kiện lịch sử ấy được suy gẫm lâu dài trong năm, sáu mươi năm trở thành một cơ hội cho Gioan dạy giáo lý với tư cách một nhà thần học. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải cố vượt qua tính chất giai thoại của câu chuyện bước vào cách giải thích “tượng trưng" sâu xa: Sự kiện ấy là một “dấu chỉ”. Nó có một “ý nghĩ" ẩn giấu.
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê.
Khi Gioan viết những từ "ngày thứ ba" ấy thì trong ngôn ngữ của các Kitô hữu tiên khởi, đó là một lối diễn tả gần như là thuật ngữ và lập tức gợi lại "ngày vinh quang" của Đức Gỉêsu: Ngày sống lại (Mt 16,21 - 17,23 - 20,19; Lc 9,2-18 - 33-24, 7; Cv 10,40).
Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Trong phần đầu Tin Mừng của mình, Gioan chỉ nhắc đến Đức Maria trong trình thuật tiệc cưới ở Cana này và ở phần cuối Tin Mừng lúc Mẹ đứng dưới chân thánh giá...mà không cho biết tên Maria của Mẹ, nhưng chỉ xác định Mẹ trong mối quan hệ với Đức Giêsu... đó là "Mẹ Người "!
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến...".
Giờ của Đức Giêsu cũng là một cách diễn tả về cuộc khổ nạn (Ga 7,30 - 8,20 - 13,1 - 16,25 - 16,32). Đây là giờ độc nhất, một cách chính xác, đó là giờ Người được vinh quang: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh con bên Cha, xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian" (Ga 17,l-5). Giờ vinh quang của Đức Giêsu diễn ra trong ba giai đoạn: Đó là thập giá, Người được "nâng lên" về mặt thể xác và một cách tưởng tượng... đó là sự sống lại, Người được "nâng lên" bên hữu Chúa Cha... và đó là sự tuôn đổ của Thánh Linh cho các tín hữu... (Ga 3,14 - 8,28 - 12,32 - 17,11 - 17;13 - 17,39). Như thế, người thợ mộc ở Nadarét được mời tham dự tiệc cưới trong một ngôi làng nhỏ lân cận, cho chúng ta khám phá "hữu thể" sâu xa của Người, xuyên qua các lời nói và cử chỉ: Vinh quang của Thiên Chúa ở trên Người. Người nói rằng "Giờ của Người" chưa đến. Nhưng giờ ấy sẽ đến! Khi người ta mời ông Giêsu này đến dự tiệc cưới thì họ đã mời chính Thiên Chúa Tạo Hóa của tình yêu! Một mầu nhiệm ẩn giấu trong lòng của tình yêu đôi lứa.
Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo"
Bề ngoài kiểu nói ấy xem ra tầm thường. Vả lại, đó chính là một trích dẫn từ Kinh Thành. “Toàn xứ Ai Cập bị đói và dân chúng kêu lên Pharaô xin bánh ăn. Pharaô nói với mọi người Ai Cập: "Cứ đến với ông Giuse, ông bảo gì, các ông hãy làm theo" (St 41,55). Vua Pharaô nhận biết Giuse có sự khôn ngoan của Thần Khí Thiên Chúa nên đã nhún mình trước mặt Giuse và đã chỉ cho những người nghèo khổ đói khát đến với Giuse như đến với một người có thể lấp đầy sự khốn khổ của họ.
Giờ đây, chính Đức Maria nhún mình trước con bà và chỉ định Người như nhân vật chính: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo". Ở đó, đang thiếu rượu... và có lẽ, nào ai biết được, "tình yêu' cũng thiếu... Cuộc vượt qua là sự ra khỏi nước Ai Cập. Nhưng cũng là sự giải phóng khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết: "Rượu thiếu tượng trưng cho mọi thiếu sót sâu xa của chúng ta. Có rất nhiều hoàn cảnh của con người, ở đó chúng ta "không thể còn làm được gì mọi sự đều thiếu sót, không còn giải pháp trong hoàn cảnh của chúng ta lúc đó... Thế thì phải trông cậy vào một người khác vào Đấng Hoàn Toàn Khác, Đấng duy nhất có thể cứu: “Người bảo gì các bạn cứ việc làm theo".
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ ". "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy với miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết.
Không một chi tiết nào ở dây là bởi sự ngẫu nhiên.
Chúng ta thử hiểu một nửa chữ thôi...
"Sáu chum đá... Người xưa thường thích ý nghĩa tượng trưng của các con số. Bảy là con số của sự hoàn hảo. Bảy kém một là hình ảnh của sự bất toàn.
“Dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái nước dùng để tắm rửa trong việc phụng tự. Những chum đá ấy là dấu chỉ một tình trạng lạc hậu lỗi thời của các tập tục tôn giáo giờ đây đã bị vượt qua. Đức Giêsu đến thay đổi, hoàn tất tôn giáo của người Do Thái. Nước trở thành rượu!
"Họ đổ đầy tới miệng...". Dấu chỉ dư dật, phong phú, tràn đầy mọi ơn lành của Đấng Mêsia mà Đức Giêsu khởi đầu trong "dấu chỉ" đầu tiên này, quả thật là điên rồ và thái quá 600 lít rượu nho! Cả làng sẽ uống say sưa!
“Rượu”... Một biểu tượng xưa của Kinh Thánh (Tl 9,13; Thánh Vịnh 104,15.v...) Trái nho là một sản phẩm rất được ưa chuộng của đất đai: nó làm cho lan tỏa niềm vui và sự sảng khoái, nó làm cho phấn khởi lòng người". Các thời đại của Đấng Mêsia được loan báo bằng các hình ảnh bữa tiệc ở đó rượu chảy thừa mứa: "Đức Chúa sẽ mở tiệc cho mọi dân tộc, một bữa tiệc với thịt béo và rượu nồng"( Isaia 25,6; A-mốt 9,14.; Ôsê 2,16-15,5; Giôen 4,18; Giê-rê-mi-a 3 1., 12; Diễm ca 2,4 v.v... )
Vả lại chúng ta chớ bao giờ quên rằng Gioan viết Tin Mừng của Người khoảng năm mươi hoặc sáu mười năm sau biến cố Cana, vào một thời kỳ mà cộng đoàn Kitô hữu đã hội họp từ nhiều năm rối để dùng bữa ở đó một thứ "rượu'” mầu nhiệm được róc ra. Làm thế nào mà bữa ăn đầu tiên này của Đức Giêsu ở Cana lại không nhắc họ nhớ đến bữa ăn cuối cùng khi Đức Kitô đã biến rượu thành máu của Người... trong sự chờ đợi bữa tiệc quyết định mà Đức Giêsu đã loan báo: "Từ nay Thầy không còn uống thứ rượu nho này cho tới ngày Thầy sẽ uống rượu mới trong Vương quốc của Cha Thầy”.
Phúc thay cho những người được mời đến bàn tiệc của Thiên Chúa.
Mỗi lần bạn uống được rượu ngon, bạn hãy nghĩ về Thiên Chúa đã dùng rượu làm một "dấu chỉ" về Người. Thiên Chúa muốn mềm vui. Thiên Chúa không muốn chúng ta thiếu niềm vui, thiếu tình yêu, mỗi thánh lễ là một dấu chỉ về Người, một bí tích. Mỗi thánh lễ là máu của Đức Giêsu, dấu chỉ của tình yêu Người.
Ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng hết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”.
Sự lầm lẫn này có ý nghĩa biết bao: Khi lẫn lộn tân lang với Đức Giêsu, người quản tiệc đã lầm! Trong một vài dòng của Tin Mừng, Gioan Thánh sử sẽ nói rõ ràng rằng "tân lang" đích thực, chính là Đức Giêsu (Ga 3,29).
Chúng ta thấy ở đây điểm then chốt đem lại lời giải thích chủ yếu cho dấu chỉ Cana...". Đây là rượu của tiệc cưới mới, đây là chén của Giao ước mới trong máu ta". Những lời ấy chúng ta biết rõ thường lướt quá nhanh trong trí óc đã quen thuộc của chúng ta. Thánh lễ, mầu nhiệm của tình yêu!
Một truyền thống lâu dài và khả kính của Cựu ước đã giới thiệu Thiên Chúa như tân lang của nhân loại. Isaia trong bài đọc một của chúa nhật này vừa nói với chúng ta "sự ngỏ lời tình yêu” nóng bỏng như một đam mê của người si tình: "Người ta sẽ không còn gọi em "cô gái bị bỏ rơi" nhưng người ta sẽ gọi em là "cô gái được yêu thích", người ta sẽ gọi xứ sở của em là "Tân nương của Ta"... Như một thanh niên cưới một thiếu nữ làm vợ, Đấng đã xây dựng em, sẽ cưới em làm vợ. Như người vợ trẻ là niềm vui của chồng mình cũng thế, em sẽ là niềm vui của Thiên Chúa em" (Isaia 62,1-5; ô8ê 2?21; êdêkien 16,8). Toàn bộ Tân ước đã lấy lại hình ảnh vợ chồng ấy (2 Cr 11,2; Ep 5,25; Kh 21,2 - 22,17 v.v...).
vả lại như bạn đã nhận thấy, ở tiệc cưới Cana, cô dâu không được kể ra. Không kỳ lạ sao! Chúng ta không gặp một đám cưới bình thường. Nếu Đức Giêsu là Tân Lang thật sư tân nương thật sự là người "phụ nữ" mà Người đã gọi bằng một từ ngữ mang tính tượng trưng sâu sắc: 'Thưa Bà!". Tân nương của Thiên Chúa, chính là ít-ra-en chờ đợi "giao ước mới" khi thừa nhận mình không.,còn rượu nữa. Ít-ra-en ấy, dân tộc được Thiên Chúa cưới trong giao ước mới, rồi đây sẽ là Giáo Hội. Và Đức Maria đại diện cho cả hai: bà là "con gái của ít-ra-en" và khuôn mặt của Giáo Hội". Như thế, Tân nương không được nói tên trong tiệc cưới đó chính là chúng ta: Thiên Chúa yêu thương bạn... Thiên Chúa đã cưới nhân loại trong Đức Giêsu Kitô... trong khi vui cũng như trong lúc buồn!
Chúng ta sống trong một thời đại mà khủng hoảng của tình yêu vợ chồng trở nên bi đát: Tình yêu dường như bị mất phương hướng, người ta ca tụng sự kết hôn tự do, người ta sống chung mà không muốn làm lễ cưới, không muốn mở tiệc mừng tình yêu, không muốn nhận trách nhiệm đối với người khác, đối với con cái sẽ được sinh ra...Biết bao cặp vợ chồng mau chóng lìa tan, lúc mới bắt đầu cũng vui vẻ đấy, nhưng rồi trở nên nhạt nhẽo, tầm thường như nước ốc! Nhưng trong bối cảnh ấy, những cặp vợ chồng vững chắc nhất cũng không tránh khỏi nhận xét bi đát: Họ không còn rượu nữa!". Chính tình yêu đang thiếu thốn. Chỉ Đức Giêsu mới có thể ban lại tình yêu cho chúng ta. Hãy hiệp thông vào chén của Đức Giêsu, uống rượu của Người, chính là uống nơi suối nguồn yêu thương, đã hiến dâng tất cả và yêu thương cho đến cùng" (Ga 13,1).
Trong nhiều thế kỷ, các nhà thần học băn khoăn tìm hiểu cuộc sống nào cao cả hơn, cuộc sống "hôn nhân" hay cuộc sống "độc thân". Tuy nhiên chúng ta chớ nên quên ngôn ngữ của Kinh Thánh nói về một Thiên Chúa - Tình Quân. Chúng ta hãy để cho sự dịu dàng của Thiên Chúa tràn ngập chúng ta. Nếu bạn đã kết hôn, vợ chồng bạn là "dấu chỉ", nghĩa là "bí tích", "sự biểu lộ" của Tình Yêu Thiên Chúa. Nếu bạn sống độc thân. không phải bạn "không có tình yêu”, bạn cũng đã được cưới bởi một tình yêu cao cả nhất phải có! Nhưng bạn sống đời sống hôn nhân, hoặc đời sống độc thân của bạn như thế nào? Vấn đề ở đây không phải là sự thiết lập bí tích hôn nhân trong Tin Mừng. Nhưng đối với những ai hiểu được "dấu chỉ" của tiệc cưới Cana, điều đó chẳng cần thiết hay sao?
Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiền này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Bên ngoài tính giai thoại, ở đây chính Gioan thánh sử cho chúng ta lời giải thích về câu chuyện của ngài: Đức Giêsu bày tỏ căn tính của Người... các môn đệ đã bắt đầu bước vào đức tin... "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngự giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người".(Ga 1,14).
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
“Hễ người bảo gì thì hãy làm theo”
I. Ý CHÍNH:
Đây là câu chuyện Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana để tỏ vinh quang của Người và các môn đệ tin Người.
II. SUY NIỆM:
1. “Khi ấy có tiệc cưới tại Cana xứ Galilê”:
chữ “khi ấy” chỉ trống, nhưng trong chính bản văn dùng chữ “ngày thứ ba”(bản dịch của Chúa thuấn cũng dịch “ngày thứ ba”). Ngày thứ ba tính từ khi khởi sự trẩy đi Galilê. Y nghĩa ngày thứ ba ở đây liên quan đến “ngày thứ ba Người sẽ sống lại”(Mc 8,31; 9,31; 10,37; Mt 27,63; Lc 24, 7). Vì thế ở đây có ý nghĩa nói rằng ngày thứ ba khởi sự trẩy đi Galilê, Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu để tỏ vinh quang của Người.
“Có tiệc cưới tại Cana”:
Thánh sử Gioan nói đến tiệc cưới này để làm bối cảnh cho việc Chúa Giê-su tỏ bày vinh quang của Người.
Theo tập tục bấy giờ đám cưới kéo dài một tuần lễ hoặc ba ngày ( trong trường hợp một bà goá tái giá) và cuộc lễ thường tổ chức vào ban đêm.
Tiệc cưới theo thánh kinh thường được tượng trưng cho cuộc hôn nhân giữa Đức Kitô với dân Người. gioan tiền sứ giới thiệu Đức Kitô như vị hôn phu ( Ga 3,29). Chúa Giê-su cũng tự xưng là vị hôn phu ( Mc 2,19; Mt 9,15; Lc 5,34). Và Người cũng mô tả hình ảnh Nước-Trời dưới một bữa tiệc cưới ( Mt 22,1-14). Sách khải huyền cũng dùng đề tài này để nói lên việc kết thúc kỷ nguyên hiện tại và việc xuất hiện kỷ nguyên tương lai ( Kitô hữu 19,7-9;21-2 so sánh Ep 5,22)…
Theo nghi lễ, hôn phu phải cung cấp rượu, nhưng trong trường hợp này hôn phu biến đi và Chúa Giê-su một cách kín đáo đã thay thế ông. Với tư cách là hôn phu của nhân loại, chính người cung cấp rượu.
2. “Và có Mẹ của Chúa Giê-su ở đó…”:
Trong Tin-Mừng thánh Gioan, Đức Maria chỉ xuất hiện ở đây và ở 19,25-27, lúc bắt đầu và lúc kết thúc sứ vụ của Chúa Giê-su. điều này muốn nói lên Đức Maria có mối liên hệ ràng buộc với công trình cứu chuộc của Chúa Giê-su, Con Mẹ. Đức Mẹ quả là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
Trong tiệc cưới này, việc Đức Maria biết trước là chủ hết rượu và việc nói với gia nhân như người có quyền, cho chúng ta thấy rằng Đức Mẹ có mặt là vì tình bà con thân thích và do đó Người lo lắng và chăm sóc cho đám cưới.
3. “Chúa Giê-su và các môn đệ được mời dự”:
Sự hiện diện của Chúa Giê-su và các môn đệ Người cùng với sự có mặt của Đức Mẹ tại tiệc cưới này, ngoài ý nghĩa tự nhiên của sự liên đới bà con họ hàng đến chia sẻ niềm hân hoan của tiệc cưới còn được biểu lộ ý nghĩa siêu nhiên: vai trò cứu chuộc của Chúa Giê-su chuẩn bị tiệc cưới Nước-Trời cho nhân loại có sự cộng tác của Đức Mẹ là trung gian và của Giáo hội là thừa hành của Chúa Giê-su.
4. “Và bỗng thiếu rượu…”:
thường thường những người Do Thái vẫn tiết độ, song những dịp vui họ lại thích xa hoa và hầu như thái hoá. Vì thế tiệc cưới đã bắt đầu được ít lâu thì hết rượu.Chủ nhà đã tính hụt:
Mẹ Chúa Giê-su nói với Người: họ hết rượu rồi”: đây là một lời nài xin kín đáo và đầy tin của Đức Maria vào con mình.
5. Này bà, tôi với bà có can chi đâu? giờ tôi chưa đến?:
Người Do Thái thường gọi mẹ mình là “Mẹ” (Imma). Do đó tước hiệu “Bà” được Chúa Giê-su gán cho mẹ mình Người ở đây, xem ra khác thường. khác thường là vì câu trả lời của Chúa Giê-su muốn nói lên một sự từ chối lời mẹ xin. Tuy nhiên sự từ chối không mang nghĩa bất hiếu hay kém thân mật đối với Mẹ Người. Nhưng muốn biểu lộ rằng Chúa Giê-su trong Tin Mừng Gioan, không bao giờ trói buộc vì lời con người nài xin. Đường Người phải đi, công việc Người phải làm để được Thiên Chúa Cha chỉ định chứ không phải ai khác. do đó Chúa Giê-su không thể dễ dàng chấp thuận lời “nài xin” của Mẹ Người: Người làm phép lạ do sáng kiến của Người, hay đúng hơn dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa Cha. Vì thế, trước tiên Chúa Giê-su không chịu làm theo ý Mẹ Maria, sau khi xem ra sau đó Người đã hành động theo ý Mẹ xin. phép lạ làm Đức Mẹ hài lòng, nhưng không phải phép lạ được làm vì đã nài xin.
Vì thế, không nên hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu như một lời bất hiếu với Mẹ Người, nhưng Chúa Giê-su chỉ muốn xác quyết siêu việc tính của Người vì Người hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha.
- “Giờ tôi chưa đến”: Chữ “Giờ” ở đây có ý nhắc đến sự vinh quang của Thiên-Chúa sau cuộc tử nạn và phục sinh của Người.
Ý nghĩa này thường được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan chương 2-12.
+ “Giờ chưa đến”: (Ga 2,4; 7,30; 8,20).
+ “Nhưng” sẽ đến: (Ga 4,21.23; 5,25-26).
+ Từ chương 12 trở đi “Người sẽ đến” (Ga 12,23-27;13,1; 17,1).
Ở đây có ý nói giờ Người được tôn vinh thì chưa đến vì Người chưa tử nạn và phục sinh, nhưng ngay từ bây giờ Người muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua dấu chỉ phép lạ Người sắp làm đây.
6. “Hễ Người bảo gì thì hãy làm theo”:
Lời này cũng tương đồng với lời của Pharaoh nói với những người Ai Cập đói cơm bánh hãy tuân theo mệnh lệnh của Giuse. Mặc dầu câu trả lời của Chúa Giê-su khó hiểu đối với Đức Mẹ. Đức Mẹ vẫn một mực hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giê-su Con mình.
7. “Ở đó có sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy”:
Tục lệ Do Thái có những chum nước đặt trước cửa nhà theo luật thanh tẩy trước khi ăn (Mt 15,2: Mc 7,3: Lc 11,39). Ở đây có sáu chum, mỗi chum chứa được hai hay ba thùng, mỗi thùng tương đương khoảng 40 lít. Do đó muốn nói đến một số lượng rất nhiều.
8. “Hãy đổ nước đầy các chum”:
Ra lệnh cho ai là có quyền trên người ấy. Bảo làm việc gì là có chủ quyền trên người ấy. Ở đây tỏ sự uy quyền của Chúa Giê-su.
9. “Họ đổ đầy tới miệng”:
Việc làm này chỉ sự đầy đủ, trọn vẹn không thiếu…
10. “Bây giờ hãy múc đưa cho người quản tiệc”:
_ Quản tiệc là người đứng đầu trông coi cổ bàn.
11. “Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu”:
Điều này chứng tỏ sự việc nước biến hoá thành rượu đã trở nên một sự thực chắc chắn. Sự thực này nói lên uy quyền của Chúa Giê-su.
12. “Ai cũng đem rượu ngon ra trước…”:
Câu này nói lên sự ngạc nhiên của ông quản tiệc trước phẩm chất đặt biệt của rượu và sự ngạc nhiên này làm nổi bậc siêu việt tính của rượu mới. Theo lời nói của quản tiệc thì “rượu ngon”, đến sau “rượu xoàng”: Điều này cho chúng ta nhận ra rằng việc biến nước thành rượu nói lên việc thay thế trật tự tôn giáo cũ bằng trật tự tôn giáo mới mà Chúa Giê-su là Người thiết lập.
13. “Chúa đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana”:
Ở đây không những là phép lạ đầu tiên, nhưng còn là kiểu mẫu của những phép lạ kế tiếp. Vì thế phép lạ này biểu lộ vinh quang của Chúa Giê-su Kitô nhưng các phép lạ khác, nhất là phép lạ Chúa phục sinh, do đó các môn đệ tin Người.
III. ÁP DỤNG:
I. Áp dụng theo Tin Mừng:
Giáo hội muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay để khích lệ niềm tin của chúng ta vào quyền năng và vinh quang của Chúa Giê-su Kitô, đồng thời khơi dậy niềm hy vọng của chúng ta vào bàn tiệc của Nước-Trời.
II. Áp dụng thực hành:
1. Nhìn vào Chúa Giê-su:
a) Chúa Giê-su hiện diện trong tiệc cưới để cùng cảm thông niềm vui của con người, đồng thời cũng là dịp để Chúa khôi phục niềm tin của các môn đệ mới theo Người. Trong cuộc sống chúng ta, với những vui buồn sướng khổ, Chúa vẫn hiện diện ở đấy. Chúng ta cần khám phá ra Người để xác định niềm tin của ta đối với Người.
b) Qua câu trả lời cứng cỏi và lạnh nhạt của Chúa Giê-su: “Hỡi Bà, Tôi với Bà có can chi đâu”. Người muốn biểu lộ ý định của Người là tuân theo thánh ý Cha. Hoạt động Tông Đồ của chúng ta muốn phù hợp với ý định của Thiên-Chúa thì cũng phải vượt thắng mọi trở ngại kể cả những trở ngại gần nhất là ý riêng của mình hay của những người thân.
c) “Hãy đổ nước đầy các chum”: Chỉ một lời nói, một ý muốn, một lệnh truyền của Chúa là mọi việc xong xuôi, mọi việc hoàn thành. Cần gì có thể gây khó khăn, gây trở ngại khi Chúa ra tay hành động với chúng ta.
2. Nhìn vào Đức Mẹ:
a) “Họ hết rượu rồi”: Mẹ nhìn thấy sự thiếu thốn, sự nguy ngập cho gia chủ, Mẹ đã tỏ ra chăm sóc cứu giúp. Chúng ta noi gương Mẹ, biết mau mắn nhận ra những nhu cầu cần giúp đỡ của tha nhân để có sự nhạy cảm bác ái và tận tâm giúp đỡ.
b) Sau lời chối từ của Chúa Giê-su, Mẹ điềm tĩnh vì đã tin tưởng vào Con Mẹ, chúng ta noi gương Mẹ biết điềm tĩnh trước những trở lực trái ý để trung thành với niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa.